57 Nhìn lại năm Canh Tý thời Tam Quốc: Bùng phát đại ôn dịch, danh tướng tiêu vong, vương triều đổi vị mới nhất
- Văn hóa
- Câu chuyện lịch sử
Nhìn lại năm Canh Tý thời Tam Quốc: Bùng phát đại ôn dịch, danh tướng tiêu vong, vương triều đổi vị

Cũng chính vào năm Canh Tý 220, những nhân vật nổi tiếng không ngừng tranh giành quyền lực trong thời kỳ Tam Quốc đều lần lượt rời xa cõi đời này. Dịch bệnh hoành hành, có rất nhiều bá tánh bệnh chết.
Năm Canh Tý – 2020 đã kết thúc rồi.
Những hỗn loạn của thế giới trong năm 2020 thật sự khiến người ta chóng mặt, dịch bệnh Covid-19 lan rộng khắp thế giới, gian lận và căng thẳng trong bầu cử Mỹ, đảo chính ở Myanmar… Lo được đầu này không lo được đầu kia, chuyện này vừa giải quyết xong thì chuyện khác đã ập đến. Sau khi tra lại dòng thời gian của lịch sử, nhiều người đã vô cùng sửng sốt: thì ra năm Canh Tý của hai ngàn năm trước chính là thời kỳ Tam Quốc, hơn nữa trong niên đại đó ngoài những trận chiến hỗn loạn người đánh ta, ta đánh người ra, dịch bệnh cũng từng hoành hành dữ dội trong thời điểm này, không ai có thể đối kháng lại cả.
Năm Canh Tý 220 trong lịch sử: Dấu mốc của sự hỗn loạn
Người Trung Quốc tự xưng mình là người Hán, năm xưa Hán Văn Đế thực thi chính sách nghỉ ngơi lấy sức sau chiến loạn, Hán Vũ Đế chế ngự được thiên hạ, khiến cho sức mạnh và uy lực của vương triều nhà Hán vang danh thiên hạ. Vậy mà một vương triều như vậy vẫn chưa đến cuối cùng đã phải kết thúc vào năm Canh Tý 220.
Cuối thời Đông Hán, bắt đầu từ khoảng trước và sau năm Nhâm Tý 172 thời Hán Linh Đế vài năm, bình quân cứ mỗi bốn năm là sẽ bùng phát một trận đại ôn dịch, cho đến năm Canh Tý 220, cuối cùng Hán Hiến Đế cũng phải giao lại giang sơn cho Tào Phi. Từ đó vương triều Đông Hán diệt vong, lịch sử Trung Quốc bước vào thời đại Tam Quốc.

Năm Canh Tý: Nhiều anh hùng, danh tướng Tam Quốc ra đi
Chính vào năm Canh Tý 220, những nhân vật nổi tiếng không ngừng tranh giành quyền lực trong thời kỳ Tam Quốc đều lần lượt rời xa cõi đời này.
1. Ngụy Võ Đế Tào Tháo 65 tuổi, bệnh chết tại Lạc Dương vào tháng giêng năm Kiến An thứ 25 (năm 220).
2. Hạ Hầu Đôn là một đại tướng dưới trướng Tào Tháo, khi Tào Tháo giao chiến với quân của Lã Bố, Hạ Hầu Đôn bị Tào Tín bắn mù mắt trái. Ông là nền tảng vững chắc giúp Tào Tháo trấn giữ doanh trại hậu phương. Năm Kiến An thứ 25 (năm 220), Hạ Hầu Đôn qua đời, được truy phong làm Trung Hầu.
3. Hoàng Trung vốn là trung lang tướng trong bộ hạ của Lưu Biểu, về sau đi theo Lưu Bị. Năm 219, Hoàng Trung chém được danh tướng Hạ Hầu Uyên của Tào Tháo trong trận chiến tại núi Định Quân, được thăng chức lên làm Trừng Tây tướng quân. Sau khi Lưu Bị tự xưng là Hán Trung Vương, Hoàng Trung được đổi thành hậu tướng quân, phong làm Quan Nội Hầu. Bệnh chết vào năm Kiến An thứ 25 (năm 220).
4. Quan Vũ, sau trận chiến Xích Bích ông trường kỳ trấn giữ tại Kinh Châu. Năm Kiến An thứ 24 (năm 219), Quan Vũ đưa quân đi tấn công Phàn Thành ở phía bắc Kinh Châu, tạ tướng quân Vu Cấm của Tào Tháo dẫn theo bảy đạo quân cấp tốc đi cứu viện, gặp phải mưa to gió lớn, lũ quét tràn vào dìm chết bảy đạo quân, Quan Vũ bắt Vu Cấm, chém đầu Bàng Đức, uy danh vang xa. Nhưng ông lại thất thế trong trận chiến với Từ Hoảng; năm Kiến An thứ 25 (năm 220), Quan Vũ bại trận bị giết chết.
5. Lã Mông, một danh tướng dưới trướng Tôn Quyền. Lã Mông dùng kế “áo trắng qua đò” để chiếm lấy Kinh Châu, bày mưu thành công, khiến cho Quan Vũ bị bắt sống, được phong làm Nam Quận thái thú. Năm Kiến An thứ 25 (năm 220), Lã Mông qua đời vì đổ bệnh.
6. Pháp Chính, tự Hiếu Trực, là đệ nhất mưu sĩ của Lưu Bị. Từng hiến kế khiến đại tướng Hạ Hầu Uyên của Tào Tháo bị chém đầu. Pháp Chính rất giỏi dùng mưu, biết tận dụng thời cơ, rất được Lưu Bị tín nhiệm. Năm Kiến An thứ 24 (năm 219), Lưu Bị lên làm Hán Trung Vương, phong cho Pháp Chính làm Thượng thư lệnh, Hộ quân tướng quân. Năm Kiến An thứ 25 (năm 220), Pháp Chính qua đời, hưởng thọ 45 tuổi.
7. Trình Dục, tự Trọng Đức, là mưu sĩ và đại thần của Tào Tháo. Sau khi Tào Tháo đưa Hán Hiến Đế đến Hứa Đồ, phong cho Trình Dục làm Thượng thư, sau đó lại làm Đông trung lang tướng, Lĩnh Tế Âm thái thú, đô đốc Duyện Châu sự nghi. Sau khi thảo phạt được Viên Đàm, Viên Thượng, Trình Dục được thăng chức lên Phấn Võ tướng quân, phong làm An quốc đinh hầu. Năm 220 sau khi Tào Phi xưng đế không lâu, Trình Dục qua đời, hưởng thọ 80 tuổi.

Đại ôn dịch năm Canh Tý
Năm 220 chính là năm Canh Tý thay đổi triều đại, dịch bệnh cũng không vắng mặt.
Trong tác phẩm “Thương hàn tạp bệnh luận” của danh y Trương Trọng Cảnh nổi tiếng sống vào cuối thời nhà Hán cũng ghi chép về rất nhiều kinh nghiệm chữa trị dịch bệnh trong thời kỳ này.
Theo như lời nói đầu được viết trong “Thương hàn tạp bệnh luận” của Trương Trọng Cảnh, vào cuối thời nhà Hán, chiến loạn không ngừng, dịch bệnh hoành hành, có rất nhiều bá tánh bệnh chết. Trương Trọng Cảnh tận mắt nhìn thấy có hơn một nửa nhân khẩu trong gia tộc của mình chết quá sớm vì mắc bệnh: “Trong những năm Kiến An, chưa đến mười năm, số người chết đã là hai phần ba số người trong gia tộc, trong mười người cảm thương hàn thì có bảy người chết”.
Trận đại dịch vào cuối thời Đông Hán nghiêm trọng đến mức nào?
Trong “Vũ Đế ký” của Tam Quốc Chí ghi chép trận dịch bệnh xảy ra trong giai đoạn diễn ra trận chiến Xích Bích:
“Tào Tháo đi đến Xích Bích, giao chiến với Lưu Bị, bị bại trận do xảy ra ôn dịch, rất nhiều tướng sĩ chết, Tào Tháo đành phải đưa quân quay đầu. Lưu Bị thành công chiếm được Kinh Châu, và các quận ở Giang Nam”.
Địa danh Xích Bích trong trận chiến Xích Bích chính là thành phố Xích Bích ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày nay. Liên quân Tôn – Lưu dùng lửa đốt cháy liên hoàn chiến thuyền của Tào Tháo, thành tựu chiến dịch lấy ít thắng nhiều nổi tiếng trong lịch sử. Nhưng dịch bệnh lại trở thành người thúc đẩy vô hình của trận chiến nổi tiếng này. Rất nhiều binh sĩ và quan viên đều chết trong trận dịch bệnh này, và đây cũng là nguyên nhân khiến cho đại quân của Tào Tháo thua trận trong trận đánh Xích Bích.
Ngoài ra trong “Tưởng Tế truyện” của “Tam Quốc Chí” cũng chứng thực rằng đội quân của Tào Tháo khi đó bị mắc phải bệnh truyền nhiễm với quy mô lớn:
“Năm Kiến An thứ 13, Tôn Quyền đưa quân bao vây Hợp Phì. Khi đó đại quân chinh phạt Kinh Châu gặp dịch bệnh, Tào Tháo chỉ sai Trương Hỷ tướng quân một mình dẫn theo một ngàn kỵ binh, đi qua Nhữ Nam lấy binh đi giải vây, cánh quân này cũng bị nhiễm bệnh”.
Tào Tháo từ Kinh Châu phái Trương Hỷ tướng quân thống lĩnh một ngàn người đi cứu viện Hợp Phỉ, kết quả ngay cả một ngàn người này cũng bị nhiễm bệnh dịch. Từ đoạn ghi chép này chúng ta có thể biết được tình hình dịch bệnh của khi đó nghiêm trọng như thế nào.
Nhưng mà trận dịch bệnh này lại không biến mất nhanh chóng, trận chiến Xích Bích diễn ra vào năm 208 cũng tức là trước và sau năm Kiến An thứ 13. Mấy năm sau, trong văn chương “Thuyết Dịch khí” của con trai Tào Tháo là Tào Trực có ghi chép một đoạn như sau (trích từ “Thái Bình Ngự Lãm” của Lý Phường thời nhà Tống):
“Năm Kiến An thứ 22, dịch bệnh hoành hành, nhà nhà đều có nỗi đau cương thi, nhà nhà đều có nỗi buồn khóc thương. Hoặc đóng cửa mà chết, hoặc cả gia tộc chết mà khóc thương”.
Cũng có nghĩa là, đến năm Kiến An thứ 22, đã 9 năm trôi qua mà dịch bệnh vẫn còn hoành hành, hơn nữa nhà nào nhà nấy cũng đều có người nhiễm bệnh.
Đông Hán sống thoi thóp dưới móng vuốt của dịch bệnh sau hơn 20 năm, cuối cùng cũng đi đến diệt vong.
Theo dữ liệu được cung cấp bởi mục “Lịch sử dân số Trung Quốc” của Bách khoa toàn thư Baidu, năm Quang Hòa thứ 7 (năm 184) thời Hán Linh Đế ước tính có khoảng 11 triệu hộ gia đình và 55 triệu dân. Đến năm Kiến An thứ 22 (năm 217) thời Hán Hiến Đế, ước tính có khoảng 3 triệu hộ gia đình, khoảng 15 triệu người. Đến năm 220, còn chưa đến 40 năm, nhân khẩu của toàn bộ quốc gia cộng lại chỉ còn 15 triệu người, có khoảng 40 triệu người đã chết. Nguyên nhân chết có thể là do chiến tranh, thiên tai, cũng có thể là do dịch bệnh.
Trong khoảng thời gian này, bốn người trong Kiến An thất tử – 7 nhà văn nổi tiếng trong những năm Kiến An cuối thời Đông Hán là: Từ Cán, Trần Lâm, Ứng Sướng, Lưu Trình đều chết trong trận đại dịch năm 217. Anh trai của Tư Mã Ý là Tư Mã Lãng chết vì nhiễm bệnh trong lúc đích thân tuần tra và cứu chữa binh sĩ tại doanh trại. Những người này đều là được ghi chép chính xác rõ ràng là chết vì dịch bệnh.
Tào Xung chết vào năm 208, khi mới chỉ 12 tuổi; Quách Gia chết vào năm 207, khi đó mới chỉ 37 tuổi; Chu Du chết vào năm 210, lúc đó ông 36 tuổi; Lỗ Túc chết vào năm 217, hưởng thọ 45 tuổi.
Rồi lại 60 năm trôi qua, đến năm Canh Tý 280, tức năm Thiên Kỷ thứ 4 của Đông Ngô, năm Hàm Ninh thứ 6 của Tây Tấn, năm Thái Khang đầu tiên, Tây Tấn diệt Đông Ngô, vị hoàng đế cuối cùng của Đông Ngô là Tôn Hạo đầu hàng Tây Tấn, kết thúc thời kỳ Tam Quốc.
Theo Sound Of Hope
Châu Yến biên dịch
Xem thêm:
- Ý Trời và đạo người trong chuyện Quan Công tha Tào Tháo ở hẻm Hoa Dung
- Bàng Thống chết không phải vì kém mưu, mà là vì thiếu đức
- Bài học lịch sử: Giáo hoàng bị cắm chổng ngược xuống dưới đất, dịch bệnh đang đi tới
Bắc Kinh giấu tội như thế nào?
